TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Hạ Buồn Tháng Tư!

Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ngắn

Lời Tòa Soạn: DĐNGVNSA xin giới thiệu đến quí độc giả truyện ngắn với nhan đề: Hạ Buồn Tháng Tư! . Truyện ngắn trích trong tác phẩm Chiều Xưa Nhạt Nắng của nhà văn Dương Đại Trường. Cốt truyện nói lên tình chiên hữu của người lính VNCH và thực trạng về trẻ em mồ côi ở VN! Những danh xưng, tên tuổi và chức vụ của nhân vật trong truyện hoàn toàn là hư cấu... Nếu có trùng lập, tất cả đều ngoài ý muốn tác giả. Kính mời quí độc giả vào xem.

      Ngọc Hạ dựng chiếc xe đạp vào vách nhà, đến ngồi nơi chiếc bàn gần cửa trong quán giải khát nhỏ lẻ loi, ẩn dưới tàn cây cổ thụ bên đường, đưa mắt nhìn bâng quơ ra ngoài, hướng về phía đường lộ dẫn vào khu công nghiệp Tân Lập. Buổi trưa mùa hè nắng gắt, những làn nhiệt bốc lên từ mặt đường nhựa, chập chờn ẩn hiện như những làn sóng nhiệt phát ra từ chiếc lò khổng lồ lửa đang rực cháy! Thỉnh thoảng Ngọc Hạ đưa tay lên cầm cái nón lá thay chiếc quạt, phe phẩy tạo làn gió nhẹ để xoa dịu cơn nóng gay gắt mùa hè làm cho gương mặt cô đỏ gấc với mồ hôi nhuể nhải. Chiếc áo vải the màu trắng ngà mỏng dính trên mình của Ngọc Hạ ướt đẩm mồ hôi, để lộ hẳn ra làn da trắng nỏn với thân hình đẩy đà của một người phụ nữ đã qua tuổi dậy thì nhưng vẫn còn những nét xuân phơi phới đầy gợi cảm!...
       Ngọc Hạ vẫn ngồi im lặng, đăm chiêu đôi mắt nhìn vào khoảng không gian bát ngát, biểu hiện trên gương mặt của một người có tâm sự. Cô không gọi chủ quán mua nước uống và cũng không mở lời chào hỏi chủ quán để xin cho cô tạm dừng chân giây lát tránh nắng và nghỉ mệt. Nhìn chiếc xe đạp cũ mèm của Ngọc Hạ dựng sát vào vách nhà lá, yên xe rách loang lổ, cặp vỏ mòn nhẳng đã nói lên tình cảnh kinh tế của cô chắc thuộc diện gia đình không mấy khá giả! Ngọc Hạ ngồi lặng im một lúc lâu, bà chủ quán trong phòng bước ra ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, hình như giữa bà và Ngọc Hạ đã quá quen thuộc nên cũng chẳng cần chào hỏi nhau, rồi bà nhìn ra ngoài khẻ nói:
- Năm nay mùa hè nóng quá! Đã hết tháng sáu, cuối mùa hè rồi mà thời tiết vẫn còn nóng và khô, giống như hạn hán! Đến bây giờ mà cũng chưa có giọt mưa nào đầu mùa...
- Năm nay là năm nhuần của âm lịch dì Thắm ạ! Nếu tính đúng theo ngày tháng bình thường, bây giờ là thời điểm của cuối tháng năm mà thôi. Ông bà ta thường nói: Tháng năm chưa nằm thì sáng, ngày dài đêm ngắn. Lệ thường, thời tiết ở xứ mình lúc nầy oi bức và nóng gay gắt lắm!
       Bà Thắm nghe Ngọc Hạ cho biết năm nhuần tháng hạn, khẻ than:
- Lo chạy ăn, lo thiếu thốn mọi bề.... Riết rồi quên đi ngày lụn tháng tàn!
     Ngừng giây lát, bà Thắm quay sang nhìn Ngọc Hạ hỏi:
- Hổm rày mầy không có đi làm ở khu công nghiệp Bình Châu hả?
- Cháu cũng đi làm bình thường mà dì.
- Sao mầy không ghé qua đây chơi?
- Cháu đi làm ca đêm nên ban ngày ngủ dưỡng sức, không ghé thăm dì được.
- Vậy hả! Tao tưởng mầy buồn tao về chuyện gì nên không ghé quán tao uống nước!
- Trong vùng Minh Đạm nầy chỉ dì cháu của mình khắng khít với nhau lâu nhất! Hơn hai mươi năm rồi, thâm tâm của cháu lúc nào cũng xem dì như một người mẹ ruột, mặc dù cháu là đứa con đầu lòng duy nhất của một người mẹ duy nhất!
    Bà Thắm nghe Ngọc Hạ nói hai lần chữ “duy nhất”, bà khẻ cười rồi nói:
- Con nhỏ nầy nói chuyện nghe nhà quê, ngây ngô và chân thật!
- Chúng ta là người nhà quê chính hiệu đó dì! Cho tới bây giờ mà cháu chưa biết sử dụng chiếc truyền hình ra sao, không phải quê mùa lắm sao!
- À hả!
        Qua chuyện trò mới biết bà Thắm và Ngọc Hạ đã quen nhau mấy mươi năm nay rồi. Họ là những người trước đây sống ở thành phố Sài Gòn, về vùng nầy cư ngụ kể từ sau ngày 30/4/1975.  Xưa kia, nơi đây là vùng rừng thiên nước độc, nhà nước Việt Nam thi hành chính sách đánh tư sản mại bản, cưỡng bách những gia đình tư sản và ngụy quyền ở Sài Gòn về đây lập nghiệp, nơi mà chế độ gọi là những vùng Kinh Tế Mới, cuộc sống giống như một sự lưu đày dành cho thành phần đối nghịch với chế độ!
     Nhớ lại ngày đó, Ngọc Hạ còn nhỏ, tuổi đời vừa lên sáu, phải theo mẹ đến sống những ngày tháng thiếu thốn vật chất, nghèo nàn, không được cắp sách đến trường như bao trẻ thơ khác! Tuổi thơ của Ngọc Hạ có thể nói là đã trải qua trong chuỗi dài những nỗi buồn cô quạnh, thiếu cả tình thương của người cha khi còn thơ ấu! Hình ảnh về người cha của Ngọc Hạ chỉ được mẹ cô lúc còn sinh thời có đôi lần kể lại trong nước mắt ràn rụa về sự biệt tăm vô tích của chồng sau Tháng Tư Đen bổ xuống đời bà! Tuy mẹ đã kể vài lần về người cha của Ngọc Hạ, nhưng cô đã hình dung người cha của cô thật là anh hùng, chiến đấu với quân thù cho đến hơi thở cuối cùng và thân thể vùi chôn trong nấm mồ tập thể của hơn một trăm binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong ngày tàn cuộc chiến! Và trong lòng Ngọc Hạ rất tôn kính cha mình. Hình ảnh cha cô được diễn tả qua lời mẹ, cha Ngọc Hạ là sĩ quan trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, một binh chủng ghi nhiều chiến thắng lừng danh trong quân sử của  Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
     Ngọc Hạ đang hình dung về cha mình, bổng bà Thắm quay sang đặt bàn tay lên vai Ngọc Hạ khẻ hỏi:
- Mầy có người yêu chưa?
     Ngọc Hạ cười mĩm rồi thể hiện cử chỉ lắc đầu:
- Cháu là con gái nhà nghèo! Đâu có ai dám lấy làm vợ! ...
     Hai người là láng giềng với nhau mấy mươi năm nay, biết tánh tình đoan trang và kén chọn hôn nhân của Ngọc Hạ, bà Thắm lên tiếng trách khẻ:
- Tại mầy kén chọn quá nên trai làng vùng nầy không ai dám mở lời làm quen với mầy! Bây giờ mầy đã trên ba mươi tuổi rồi, thuộc hạng gái lỡ thời! Xóm mình đây, không có ai cùng tuổi với mầy còn độc thân để mà xin cưới mầy nữa. Ế chồng rồi cháu gái ạ!
- Sức mấy mới ế chồng! Thằng cha trưởng công an huyện của mình, vợ chết hơn năm nay, đang theo cháu bén gót dì ơi!
- Vậy hả! Sao mầy không chộp dịp may hiếm có nầy, lấy hắn làm chồng.? Hắn làm trưởng công an huyện, giàu có lắm! Nghe nói hắn mua mấy căn nhà ở Sài Gòn cho thuê làm nhà hàng và khách sạn mi-ni...
- Tài sản của hắn, chẳng có liên quan tới cháu, dì kể làm gì.!
- Tao nói cho mầy biết để chọn nơi gởi thân gái của mầy.
       Ngọc Hạ không đáp lời, vẫn cúi mặt suy nghĩ. Bà Thắm tưởng Ngọc Hạ nghe lời khuyên của mình, bà Thắm nói tiếp:
- Người ta bây giờ thường ví von: Chim khôn lựa cành mà đậu, gái khôn tìm chồng nơi chốn Công An...
       Bà Thắm nói lãi nhãi làm Ngọc Hạ bực mình, đáp lại:
- Nếu dì có tham tiền của hắn thì nhào vô làm vợ hắn đi, đừng bàn chuyện với cháu về hắn!.. Tiền của hắn do tham nhũng mà có, mai sau nầy hắn trả quả báo.
- Tao già rồi! Nếu hắn chịu lấy tao làm vợ thì không còn cơ hội cho mầy đâu.
       Hai người dừng lại câu chuyện về hắn , đoạn Ngọc Hạ quay sang bà Thắm, nói lên tâm trạng của mình:
- Dì Thắm biết nguyên do gì mà cháu không chịu lấy hắn làm chồng không?
- Mầy không nói, sao tao biết được!
        Ngọc Hạ thở dài, nói lên tâm sự của cô:
- Cháu là con của một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cha cháu đã chết vì chính nghĩa với huấn niệm Danh Dự-Tổ Quốc-Trách Nhiệm, áo trận bọc thây, đến bây giờ cũng không biết mồ mả nơi đâu để đi tìm! Vì vậy, giữa cháu và hắn có một biên giới rỏ ràng: Thù và hận. Hắn là kẻ thù của ba cháu, làm sao mà cháu nhận kẻ thù làm chồng được!
- Mầy khờ quá! Chuyện thù hận đã qua đi mấy mươi năm rồi, mầy còn giữ trong lòng làm chi cho phiền toái! Đây là cơ hội để mầy lấy chồng, nếu bỏ qua thì mầy sẽ là gái lở thời, sống độc thân tới già, chết thành con ma không chồng!..
     Biết nói lý lẽ với bà Thắm không kết quả gì, Ngọc Hạ nói sang chuyện khác:
- Thôi! Bỏ qua chuyện hắn đi! Cháu bây giờ đói bụng quá nè! Dì đi nấu cơm cho cháu ăn ké một bửa.
- Mầy muốn ăn cơm thì vào bếp nhóm lửa, tao đi vo gạo...
       Hai dì cháu tuy là người dưng nước lã, nhưng vì xưa kia có cùng hoàn cảnh bị nhà nước cộng sản Việt Nam cưỡng bách về sống nơi vùng Kinh Tế Mới, họ là láng giềng với nhau lâu ngày nên tình cảm và đối xử giữa hai người giống như bà con ruột thịt.. Bà Thắm và Ngọc Hạ bây giờ là hai phụ nữ có danh thơm sống độc thân ở vùng Minh Đạm nầy, mấy mươi năm nay không hề mang tai tiếng thị phi. Chính là những phụ nữ có đức hạnh nên quán giải khát của bà Thắm được dân địa phương đặt với cái biệt danh khi nghe qua buồn da diết và hiu quạnh: Quán nước bà Thắm Cô Đơn! Ngọc Hạ cũng được dân trong xóm đặt biệt danh là: Hạ Lở Thời! Những biệt danh nầy đến với họ không biết từ lúc nào và ai đặt cho họ. Nhưng bây giờ, khi bất cứ ai từ phương xa đến Minh Đạm tìm họ, chỉ cần nói biệt danh của họ thôi, cư dân vùng nầy chẳng ai mà không biết!
       Trời mùa hè không mây, bầu trời trong vắt tận mây xanh, càng làm tăng thêm sức nóng của mặt trời chiếu xuống vạn vật. Bên ngoài quán, nắng vẫn gay gắt như thiêu đốt lớp mặt nhựa đường mềm nhũng! Ngọc Hạ ăn cơm xong , ngã người vào chiếc ghế dựa làm bằng dây mây cũ rích, nhìn ra ngoài trời thả hồn suy tư. Lại một một mùa hè nữa đi qua! Những mùa hè trong đời Ngọc Hạ vẫn mãi mang ám ảnh hải hùng cuốn trôi tuổi thơ đi mất qua những lần người thân đã bỏ cô ra đi biền biệt! Hè buồn của tháng tư năm 1975 đã cướp mất người cha yêu quí của cô. Mùa hè của ba năm sau lại cướp đi người mẹ hiền! Cứ như thế, mỗi lần hè về gieo bao niềm thương nhớ mẹ cha đã làm cho Ngọc Hạ hình như trở thành người con gái có con tim chai đá tình yêu! Vì thế Ngọc Hạ thường tự nhủ trong lòng: Tình yêu chỉ là những ràng buộc con người vào ngục tù cuộc sống! Ngọc Hạ thường suy nghĩ cho hoàn cảnh của mình, lòng cô dâng lên những tủi thân và mặc cảm. Khi yêu nhau, kiếp nghèo định mệnh đã làm chướng ngại vật của hạnh phúc ngày sau! Thêm nữa tự ái của người con gái mang kiếp nghèo đôi lần xui khiến Ngọc Hạ bỏ dở cơ hội tình yêu đến với cô. Có những đêm về trong cô đơn, Ngọc Hạ nghĩ luyến tiếc những cơ hội hôn nhân đến với cô, một mình than thân trách phận làm thân con gái nhà nghèo!.
       Suy nghĩ đến thân phận mình, Ngọc Hạ buông tiếng thở dài, định nhắm mắt lại ngủ trưa giây lát chờ trời dịu nắng rồi về nhà. Bổng chiếc xe du lịch dừng lại trước cửa quán, người đàn ông đứng tuổi bước xuống xe đi đến cửa, thò đầu vào nhà lên tiếng:
- Có ai trong nhà không, cho tôi hỏi thăm...?
    Ngọc Hạ nghe tiếng người đàn ông hỏi, ngồi bật dậy, đi ra cửa:
- Ông tìm ai?
      Người đàn ông nhìn Ngọc Hạ, khẻ hỏi:
- Tôi tìm nhà của bà Mộng Liên! Trước kia bà ấy sống ở Sài Gòn...
     Ngọc Hạ nghe nói trúng tên của mẹ, ngạc nhiên hỏi lại:
- Bà Mộng Liên họ gì hả chú?
- Hoàng Thị Mộng Liên....
      Vừa nói tên xong, người đàn ông lấy trong túi áo ra tấm hình đưa cho Ngọc Hạ rồi nói:
- Tôi tên là Tâm, ngày xưa làm cận vệ cho đại úy Thành. Tấm hình nầy là vợ và con của đại úy, nhờ tôi trao lại cho gia đình...
      Ngọc Hạ cầm tấm hình trên tay, sửng sốt không nói nên lời! Phút chốc sau lấy lại bình tĩnh, Ngọc Hạ mới khẻ nói:
- Sao mấy mươi năm qua rồi chú mới đi tìm chúng tôi? Cháu chính là đứa con gái trong tấm hình nầy. Mẹ cháu đã qua đời đúng ba năm sau của tháng Tư Đen quốc hận: 30/4/1975!
     Tâm thở dài, ngồi xuống ghế kể lại câu chuyện anh hùng của đại úy Thành:
- Những ngày gần cuối của tháng tư năm 1975. Đại đội của ba cháu chỉ huy bị cộng quân tấn công khốc liệt! Vũ khí và đạn dược bị khan hiếm nên đơn vị chỉ chống cự cầm chừng, rút quân ra cửa biển Thuận An chờ Hải Quân đến di tản vào Sài Gòn! Khi đến cửa biển, cộng quân pháo kích dữ dội quá nên tàu hải quân không vào được đất liền để rước tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến chờ di tản. Bãi biển trống trơn không có công sự ẩn núp nên đa số các chiến sĩ chết vì bị cộng quân pháo kích!
        Nói đến đây, Tâm rơm rớm nước mắt vì xúc cảm chuyện ngày xưa hiện về, lấy chiếc khăn tay lau giọt lệ rồi kể tiếp:
- Lúc ở Thuận An, đại úy Thành ra lệnh cho chú rời khỏi đơn vị, vì đại úy biết chú còn ở quê nhà người vợ và 5 đứa con thơ, không muốn chú tử trận bỏ lại những đứa con mồ côi cha! Chú giờ đây vẫn còn nhớ như in trong đầu óc, những lời nói của ba cháu: “ Em còn vợ và những đứa con nhỏ dại khờ. anh cho phép em rời đơn vị, tìm đường về quê... Nếu có dịp nào đó ghé lại nhà của anh ở Sài Gòn thì đưa dùm tấm hình nầy cho bà xã của anh. Anh nhờ em nói lời xin lỗi với mẹ con của Mộng Liên, vì anh là cấp chỉ huy nên chọn tổ quốc hơn gia đình.!.
       Ngọc Hạ nghe Tâm kể đến đây, bật khóc òa lên thành tiếng. Vừa khóc vừa kể lể:
- Ba ơi! Ba đúng là người lính Việt Nam Cộng Hòa anh hùng như mẹ của con ngày xưa thường kể cho con nghe! Lúc mẹ còn sống, những lần nhắc về ba, con không mấy tin về những lời mẹ nói! Con cứ nghĩ là vì mẹ yêu ba nên nói tốt về chồng. Bây giờ, chú Tâm đã xác định về tấm lòng cao cả của ba...Hu! Hu!Hu!
     Tiếng khóc của Ngọc Hạ làm cho Tâm cũng rơi lệ. Tâm lấy trong túi áo ra chiếc khăn giấy đưa cho Ngọc Hạ lau khô những giọt lệ trên gò má. Tâm quay sang nhìn bà Thắm khẻ hỏi:
- Chị là người thân của Ngọc Hạ hả?
- Tôi chỉ là người láng giềng với cô Hạ. Ngọc Hạ sống một mình trong căn nhà nhỏ bên kia đường! Cuộc sống đơn độc mấy mươi năm nay, kể từ khi mẹ cô qua đời!
- Tội nghiệp quá!
      Từ nảy giờ Ngọc Hạ cúi mặt ngồi khóc mà quên hỏi thăm về người đồng đội thuộc cấp của ba mình ngày xưa. Ngọc Hạ ngước nhìn chú Tâm khẻ nói:
- Chú Tâm ghé nhà cháu chơi rồi hãy về lại Sài Gòn.
- Ừ! Chú phải ghé nhà cháu để đốt nén hương cho đại úy.
       Căn nhà lá lụp xụp ẩn mình trong con hẻm phía sau dãy phố của thị trấn Minh Đạm. Bước vào nhà, Tâm nhìn trên bàn thờ thấy hai tấm ảnh đen trắng của ba và mẹ Ngọc Hạ lâu ngày phai nét, nhạt mờ! Tâm nhìn tấm hình của vị chỉ huy mình ngày xưa, thốt lên tiếng than:
- Cháu không còn tấm hình nào khác của đại úy sao?
- Dạ không! Khi hay tin ba mất tích, mẹ tìm trong album hình của gia đình, đa số là hình chụp chung với đồng đội. Cuối cùng mẹ chọn tấm hình ba mặc lễ phục khi tốt nghiệp trường bộ binh Thủ Đức để làm hình thờ cho đến bây giờ!
      Tâm đến bàn thờ bật chiếc quẹt lửa đốt hai nén hương cho ông bà đại úy, lầm thầm khấn vái:
- Em xin lỗi đại úy! Vì hoàn cảnh tha phương cầu thực mà mãi đến hôm nay em mới trở về quê hương, thực hiện những điều mà đại úy nhờ em năm xưa! Nén hương nầy thắp cho đại úy như xác định lời hứa trong lòng của em khi từ giã đại úy ở cửa biển Thuận An: Em sẽ bảo bọc cháu Ngọc Hạ suốt đời. Bây giờ em xem nó như đứa con dâu trong gia đình. Em cũng xin phép đại úy cho em làm lễ cưới cháu Ngọc Hạ cho đứa con trai đầu lòng của em. Em nguyện cầu hương linh của đại úy bình yên nơi cỏi vĩnh hằng và phò hộ cho vợ chồng chúng nó hạnh phúc đến răng long tóc bạc.
       Khấn vái xong, Tâm quay sang nói với Ngọc Hạ:
- Cháu thay đồ rồi cùng đi với chú về Thuận An viếng mộ tập thể của những người chiến sĩ thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Trong nấm mồ tập thể đó có xương cốt của ba cháu!
      Thấy Ngọc Hạ có cử chỉ lo sợ khi đi với một người xa lạ lần đầu biết mặt, Tâm mở lời:
- Cháu có thể rủ dì Thắm cùng đi với cháu. Hai dì cháu đi chung để cho cháu được an tâm hơn. Sẳn dịp nhờ dì Thắm làm đại diện cho thân tộc nhà gái trong ngày hôn lễ của cháu.
      Ngọc Hạ nghe chú Tâm bất chợt nhận mình làm con dâu, khuôn mặt ửng hồng e thẹn nói:
- Cháu là đứa con gái nhà nghèo và quê mùa, cháu e rằng không hợp môn đăng hộ đối với gia đình của chú! Vả lại, chưa biết con trai của chú có chịu lấy con làm vợ hay không?
      Tâm nhìn Ngọc Hạ giải thích:
- Thật ra, mục đích về Việt Nam lần nầy là tìm người để cưới vợ cho thằng Nam con trai của chú. Nhưng có lẽ đây là ý trời! Chú tưởng cháu đã lập gia đình và có con đàn con lủ. Nào ngờ cháu vẫn còn độc thân tới bây giờ....Thằng Nam con chú rất vâng lời cha mẹ. Chú chọn cháu làm con dâu thì nó phải nghe lời của chú chứ!
       Hai chú cháu đang nói chuyện, bà Thắm bất chợt bước vào nhà, xen vào nói tốt cho Ngọc Hạ:
- Anh Tâm chọn con Hạ làm dâu, thật là có phước! Tôi quen với Ngọc Hạ mấy chục năm rồi, tôi khẳng định với anh: Ngọc Hạ là đứa con gái rất nết na và đức hạnh.
      Tâm ngắt lời bà Thắm, nói lên những điều tìm hiểu về Ngọc Hạ::
- Hồi trưa nầy, trước khi tôi đến quán của cô, tôi đã dò hỏi vài người ở ngoài đầu xóm, họ cũng khen ngợi về đạo đức của Ngọc Hạ. Cám ơn dì Thắm cho tôi biết thêm về con dâu tương lai của tôi.... Bây giờ tôi mời dì làm đại diện cho họ nhà gái trong ngày làm hôn lễ.
       Ngọc Hạ tự nảy giờ ngồi im nghe hai người nói chuyện, đến đây xen vào:
- Dì Thắm! Thay đồ nhanh lên! Xưa nay dì thường cầu mong cho cháu lấy chồng mà!
- Ừ! Dì đi với cháu. Dì vui mừng nhất khi cháu vứt bỏ hai chữ ‘Ế chồng’ kể từ đây.
       Trời đã xế chiều mà nắng hè vẫn còn gay gắt chiếu xuống lộ nhựa chạy xuyên qua những khu rừng cao su. Thỉnh thoảng có vài đoạn, những cây cao su dọc lề ngã dài bóng mát trên mặt đường. Tâm ngồi ngã người vào lưng ghế, mắt nhìn ra ngoài quan sát cảnh chiều xuống trên quê hương, tâm tư hoài niệm về một thời dĩ vãng. Mấy mươi năm lặn lội tha phương cầu thực chưa về lại quê nhà, giờ đây mới tìm được hình ảnh thân thương của khung cảnh đồng quê đượm thắm thanh bình! Tâm nhớ lại cách nay gần ba mươi năm, quê hương đã bị tàn phá bởi chiến tranh tang tóc, chiến tranh giữa những con người cùng chung dòng máu Hùng Vương ruột thịt. Rồi tưởng như hết chiến tranh quê hương thanh bình, dân giàu nước mạnh... Nhưng cơ hồ gần ba thập niên trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, nhà nước Việt Nam vẫn còn là hình ảnh một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu. Đất nước vẫn còn đó những người dân nghèo dãi nắng dầm sương trên cánh đồng lúa chắt chiu từng vụ mùa, chỉ mong sao đủ nuôi sống những người trong gia đình! Ba mươi năm xã hội chủ nghĩa đã qua, thành quả nhà nước đạt được là đạo đức dân tộc suy đồi nhất trong lịch sử Việt Nam! Phụ nữ bán rẻ nhân phẩm, đến nỗi thoát y trần truồng cho người ngoại quốc tuyển vợ!
      Xe vào Sài Gòn là lúc phố xá bắt đầu lên đèn. Tâm nhìn những quán ca fê đèn màu và quán Karaoke san sát nhau hai bên đường lộ, quay đầu ra phía sau nói với dì Thắm:
- Dì có thấy sự khác biệt giữa vùng quê và thành thị không?
      Dì Thắm bị hỏi đột ngột, chỉ lắc đầu đáp:
- Không nhận thấy!
       Tâm quay đầu về phía trước, phân tích:
- Sự khác biệt rỏ ràng về cuộc sống: Dân quê thì lam lủ ruộng đồng, dân thành phố thì ăn chơi buông thả cuộc sống! Nhìn kìa, những quán bia ôm, quán cafê ôm... đi vào bên trong là những nơi mại dâm trá hình!!!
- Đúng đó anh! Bây giờ ở vùng quê, nhà ai có làm đám cưới cho con, đi tìm những cô gái bưng mâm quả thật khó hơn tìm vàng! Bởi vì giới nữ rủ nhau lên thành thị buôn hương bán phấn, lấy chồng ngoại kiều. Thịnh hành nhất giở đây là lấy chồng Đài Loan và Nam Hàn. Nhưng cũng vì vật chất mà họ lấy những ông chồng chênh lệch tuổi tác quá nhiều, dẫn đến các hoàn cảnh éo le cho cô dâu, ngay cả xảy ra bạo hành trong gia đình!
       Tâm thở dài, nói trách:
- Cũng tại nhà nước Việt Nam không có luật lệ về hôn nhân. Vừa qua, tôi đọc trên báo chí thấy những cuộc hôn nhân giữa đàn ông Đài Loan và phụ nữ Việt Nam chênh lệch quá xa về tuổi tác: Chồng lớn hơn vợ 50-60 mươi tuổi! Và có những cuộc hôn nhân mà người chồng mang chứng bệnh tâm thần hay tật nguyền. Chủ ý của họ cưới vợ Việt Nam về để lo phụng sự cho ông chồng tật nguyền đó...!
       Nghe Tâm phân tích hiện tình xã hội Việt Nam, dì Thắm thở dài rồi kể về hiện trạng trẻ con mồ côi ở Việt Nam:
- Anh Tâm nói đúng! Cuộc sống giới trẻ bây giờ thác loạn lắm! Quan hệ tình ái tự do nên mang thai và sinh ra những đứa trẻ vô thừa nhận. Rồi vì kinh tế gia đình hay vì hoàn cảnh quan hệ bất chính nên những bà mẹ phải cho các trẻ em bất hạnh đó vào chùa hay trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi... Cách nay chừng vài năm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có vài trung tâm nuôi trẻ mồ côi, bây giờ thì viện mồ côi mọc lên như nấm và họ được giúp đở bởi những cơ quan từ thiện ở ngoại quốc hằng năm, nhất là các tổ chức từ thiện dưới danh nghĩa Việt Kiều..!
        Bà Thắm đã thắc mắc trong lòng từ lâu về những tổ chức từ thiện của Việt Kiều ở ngoại quốc nên vừa nói đến từ thiện cho trẻ em mồ côi, bà Thắm hỏi Tâm:
- Anh Tâm là Việt Kiều Úc, có lẽ anh biết ở Úc có một tổ chức từ thiện với danh xưng là: Nhân Ái.?
     Nhắc đến tổ chức từ thiện Nhân Ái, Tâm ngạc nhiên hỏi bà Thắm:
- Sao dì biết nhóm từ thiện Nhân Ái?
- Vì ở Vũng Tàu tôi có quen một cô giáo tên Vân. Mỗi năm cô giáo được một ông Việt Kiều ở Úc về chở đi làm từ thiện ở Vũng Tàu. Có lần tôi cũng được cô giáo Vân rủ đi theo nhóm phân phát quà cho trẻ mồ côi.
- Ông Việt Kiều đó tướng mạo ra sao?
- Dáng người trung bình, giọng nói thanh thót. Nghe cô giáo Vân kể lại, xưa kia hắn là đồng nghiệp với cô giáo Vân, dạy ở trường trung học công lập thị xã Vũng Tàu.
      Tâm ngắt lời bà Thắm, diễn tả thêm chân dung ông Việt Kiều ở Úc về Vũng Tàu làm từ thiện hằng năm:
- Hắn ta tên là Vũ, quê ở xã Phước Tỉnh?
- Đúng!... Nhưng ông Việt Kiều nầy chắc là một đại gia ở Úc nên hằng năm hắn mang tiền về Việt Nam cho nhiều trung tâm nuôi trẻ mồ côi?
     Tâm mĩm cười, phân tích:
- Làm từ thiện như hắn là một hành động “mượn hoa kính Phật”! Nhờ từ thiện mà mỗi năm hắn đi về Việt Nam thăm cô giáo Vân không tốn tiền mua vé máy bay.
    Bà Thắm không hiểu rỏ lời nói của Tâm, chau mày hỏi:
- Anh Tâm nói gì tôi không hiểu ý !
- Hắn có tài ăn nói ngọt ngào nên mỗi năm hắn tổ chức mấy chương trình văn nghệ từ thiện, gom góp vài chục ngàn dollars, trừ hết tất cả chi phí thì hắn cũng còn hơn hai chục ngàn. Với số tiền nầy hắn mua vé máy bay, chi phí ăn uống và khách sạn trong thời gian ở Việt Nam.v..v.. Rốt cuộc dành cho trẻ em mồ côi chỉ còn phân nữa số tiền hắn gây quỹ từ thiện!!!!!
       Từ nảy giờ nghe chú Tâm và dì Thắm phân tích về Việt Kiều làm từ thiện ở Việt Nam, Ngọc Hạ khẻ hỏi:
- Cháu thắc mắc là tại sao Việt Kiều thường hay về Việt Nam làm từ thiện? Trong khi đó những cán bộ của nhà nước Việt Nam bây giờ đã trở thành đại gia thứ thiệt, tiền rừng bạc biển, nhà cao cửa rộng, kẻ hầu người hạ... Thế mà cháu thấy bọn họ chẳng có quan tâm đến việc làm từ thiện cho dân nghèo! Dân của họ mà họ chẳng quan tâm, nghèo đói mặc kệ! Vậy thì tại sao Việt Kiều phải gánh vác gánh nặng xã hội do chế độ gây ra? Vô tình Việt Kiều tạo điều kiện để họ tham nhũng.
- Bởi thế ở Úc chú hay viết những bài phân tích về hai chữ “Từ Thiện”, bọn họ chụp mũ chú là người đánh phá việc làm từ thiện của họ!....
       Xe dừng lại đóng lệ phí vào phi trường Tân Sơn Nhất làm ngưng ngang câu chuyện mọi người. Tâm bước xuống xe, dặn tài xế:
- Chúng tôi đi máy bay về Huế, đến Thuận An viếng mộ ba của Ngọc Hạ. Ngày mốt thằng Nam về tới Sài Gòn, chú ra sân bay đón nó về nhà chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôn lễ. Chúng tôi viếng mộ xong sẽ trở lại Sài Gòn.
- Vâng! Chúc mọi người thượng lộ bình an...
        Buổi sáng của thành phố Huế yên tĩnh. Trước mặt khách sạn của chúng tôi cư ngụ là dòng sông Hương, nước lặng lờ trôi, vài chiếc đò xuôi theo dòng nước. Đã mấy mươi năm rồi tôi mới có dịp ghé qua cố đô Huế! Vì vậy, tôi thức dậy sớm đi tản bộ dọc theo bờ sông Hương rồi rẻ phải qua cầu Trường Tiền, lòng dâng lên hoài niệm thân thương những ngày tháng cũ! Nhớ đến câu ca dao đã đi vào lòng người dân xứ Huế, vượt thời gian trở về trong khoảnh khắc lòng tôi:
Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp
     Em qua không kịp tội lắm anh ơi
     Mấy lâu ni mang tiếng chịu lời
     Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa.”
          Cầu Trường Tiền nổi tiếng trong văn chương và thơ nhạc của nền văn học Việt Nam, là biểu trưng muôn đời của miền đất sông Hương núi Ngự. Thuở xưa, có nột lần đơn vị tôi đóng quân ven đô gìn giữ an ninh cho thành phố Huế. Ban đêm tôi thường đi theo đại úy Thành qua cầu Trường Tiền đến quán nhậu trên đường Hùng Vương , hai thầy trò lai rai vài ly rượu để ấm lòng hai người lính chiến từ Miền Nam ra trấn đóng nơi kinh thành! Nhớ lại những ngày ấy, cái chết kề cận cho người lính trận. Những buổi tối, không vắng tiếng đại bác ru đêm vọng về thành phố và từng người bạn thân thương ngã gục trên chiến trường với chiếc poncho làm áo quan gói xác!...
       Chúng tôi đến khu mộ tập thể khi trời vừa đúng trưa. Mùa hè của xứ Huế nắng không gay gắt như Sài Gòn vì có dòng Hương Giang tạo không khí mát mẻ cho đất Thần Kinh. Trước mắt chúng tôi là khu mộ tập thể của những người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến hy sinh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Gió biển nhè nhẹ thổi vào mang hơi nước tạo không khí mát mẻ, dể chịu. Khu mộ tập thể thuộc địa phận thôn An Dương, quận Phú Vang , thành phố Huế, chỉ cách với bờ biển Thuận An 2km về phía Nam. Nơi địa điểm nầy, cuối tháng 3 năm 1975, sau cuộc chiến khốc liệt tại đây, người dân trong xóm đã chôn cất rất nhiều chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa ngay trên bãi biển. Với sự mong mỏi của đồng bào làng An Dương, nhất là những người đã tự tay chôn cất những người tử nạn, từ bao nhiêu năm nay, là làm sao để cải táng và di dời những hài cốt xiêu lạc này vào một khu đất khô ráo xa bờ biển! Bởi vì sau hơn 35 năm, nước biển đã lấn chiếm đất liền và nhất là trận bão lụt năm 1999 đã cuốn đi một số hài cốt ra biển khơi. Và nguyện ước của cư dân cho mãi đến tháng 7 năm 2010, với sự trợ giúp tài chánh của đồng bào hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ và Canada, và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đồng bào thôn An Dương đã có phương tiện di dời hài cốt của các tử sĩ từ ngoài bờ biển vào đất liền, xây lên mộ phần khang trang như bây giờ.Trong dịp này đồng bào thôn An Dương chỉ sưu tầm được 132 bộ hài cốt gói trong poncho nên còn phân biệt hài cốt cá nhân. Tổng cộng số còn lại là 132 bộ hài cốt và được cải táng trong khu mộ tập thể nầy! Đa số không được xác định danh tánh người chết.
         Chúng tôi bày nhang đèn và trái cây đặt trước khu mộ. Ngọc Hạ nhìn ngôi mộ tập thể, nơi có hài cốt của ba cô, ngậm ngùi khấn vái:
- Hơn ba mươi năm nay cha con mình mới gặp lại nhau! Nén hương nầy con dâng kính cho ba và những người chiến sĩ đồng đội của ba! Hôm nay, con nhờ ơn trên phù hộ nên mới gặp lại được ân nhân, là người đồng đội thân tín của ba ngày xưa và con mới có đủ điều kiện để đến tận nơi nầy...
       Vái đến đây, những giọt lệ tiếc thương chảy dài xuống gò má làm cho Ngọc Hạ nghẹn ngào không nói được nên lời. Tâm nhìn thấy con dâu như vậy, khấn vái tiếp:
- Hôm nay em cũng xin thưa với đại úy: Em xin cưới Ngọc Hạ cho thằng Nam của em. Chúng ta bây giờ trở thành thông gia! Nếu ngày xưa đại úy không cho phép em rời đơn vị trong thời điểm khốc liệt của cuộc chiến, em có lẽ đã nằm chung với đại úy ở nơi nầy! Đại úy sống khôn thác linh, xin phù hộ cho hai đứa con chúng ta hạnh phúc và sống với nhau cho đến ngày răng long tóc bạc.
         Chúng tôi rời ngôi mộ tập thể trở về khách sạn thu xếp hành trang cho kịp giờ chuyến bay từ Phú Bài về Sài Gòn. Tôi đứng nghiêm, đưa tay làm động tác chào theo kiểu nhà binh rồi quay mặt đi trong lặng lẻ! Chúng tôi đi một đoạn xa, nhìn lại khu mộ khuất dần sau dảy vi lau, chỉ còn lại trong lòng niềm thương tiếc những chiến hữu của tôi!
       Hôm nay là ngày làm lễ đính hôn cho thằng Nam và Ngọc Hạ, được tổ chức tại nhà người bác chồng cô dâu, chị ruột của Tâm. Mục đích của buổi lễ là để chụp những hình ảnh làm hồ sơ bảo lảnh theo diện đính hôn. Vì vậy, lễ đính hôn tổ chức rất đơn sơ, thân tộc hai họ chừng hơn mươi người. Bên họ nhà gái chỉ có cô dâu và dì Thắm. Tâm thay mặt họ nhà trai đứng lên tuyên bố:
- Kể từ bây giờ tôi nhận Ngọc Hạ làm dâu nhà họ Trác!
        Ngọc Hạ nghe cha chồng xác định danh phận, cảm động nói:
- Con rất có phước nên được làm dâu của ba.
       Rồi Ngọc Hạ quay sang chồng:
- Em hứa với anh làm người vợ thủy chung trọn vẹn hết cuộc đời nầy!
       Sau một tuần lễ hưởng tuần trăng mật bên nhau, Ngọc Hạ và Nam cùng với cha chồng trở về Úc. Ngày ra đi theo chồng về xứ lạ, ngoài hành trang áo quần ra, Ngọc Hạ chỉ mang theo bảo vật quí giá nhất trong đời cô, đó là hai di ảnh của cha và mẹ. Khi đặt hai di ảnh song thân vào chiếc hộp giấy, Ngọc Hạ thì thầm:
- Hôm nay gia đình chúng ta bắt đầu một cuộc sống mới. Cuộc sống ở Úc Đại Lợi có tự do và dân chủ.
     Ngồi trong phòng chờ đợi lên máy bay nơi phi trường Tân Sơn Nhất, Ngọc Hạ nhìn ra bên ngoài quan sát: Nắng hè vẫn gay gắt đỗ xuống phi đạo! Nắng hạ đã chiếu vào đời cô hơn ba mươi năm khô cằn nhựa sống! Bổng Ngọc Hạ quay sang hôn nhẹ vào gò má của người chồng, giọng trìu mến:
- Anh là đám mây che mát đời em sau những năm dài nắng hạn!
     Tiếng loa phát ra từ trần nhà khu vực khách đi, báo hiệu cho hành khách lên phi cơ. Vừa đi Ngọc Hạ vừa nhìn ra bên ngoài cầu thang, trong lòng dâng lên niềm lưu luyến! Ngọc Hạ buông tiếng thì thầm:
- Xin tạm biệt quê hương!

Dương Đai Trường
Một mùa hè trên quê tôi